Theo SCMP, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục hưởng lợi, khi các công ty đa quốc gia thực hiện chiến lược đa dạng hoá cơ sở sản xuất ở khu vực, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 phơi bày rủi ro của việc sản xuất tập trung tại Trung Quốc.
Cần biết rằng, từ trước khi Covid-19 bùng phát, Việt Nam đã chứng tỏ bản thân là điểm đến hấp dẫn thay cho Trung Quốc, khi lần lượt những cái tên như Apple, Samsung, cùng các nhà cung cấp của mình tìm cách tháo chạy khỏi 'công xưởng của thế giới' để tránh phải chịu tổn thất vì cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc.
Theo giới phân tích, thị trường BĐS công nghiệp và nhà ở tại Hà Nội cùng TP.HCM nhiều khả năng sẽ có thêm một lực đẩy nữa hậu Covid-19, sau khi tình trạng phong toả làm gián đoạn các chuỗi cung ứng, và căng thẳng thương mại lẫn chính trị giữa Trung Quốc và các cường quốc kinh tế khác gia tăng.
Bất động sản công nghiệp có tương lai thu hút dòng vốn đầu tư từ lực đẩy mới
"Sự bùng phát của Covid-19 đang buộc nhiều công ty phải đánh giá lại chiến lược chuỗi cung ứng. Theo đó, Việt Nam nhiều khả năng sẽ hưởng lợi", Sunny Hoang Ha - Giám đốc kinh doanh tại SPG Land Việt Nam, một chi nhánh của tập đoàn điều hành Greenland Hong Kong Holdings, nhận định.
Theo Công ty Dịch vụ BĐS Thương mại Jones Lang LaSalle (JLL), tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp phía Bắc Việt Nam, bao gồm Hà Nội và Hải Phòng, đã tăng 200 điểm cơ bản trong quý I/2020 so với cuối năm 2019, lên mức bình quân 72%. Mức tăng này được hỗ trợ bởi nhu cầu thuê đất cao, trước khi đình trệ từ tháng 2/2020 vì dịch bệnh.
Tỷ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp tại Hà Nội và Hải Phòng tăng lên mức bình quân 72% trong quý I năm nay. Ảnh: SCMP.
Còn theo báo cáo của PropertyGuru, làn sóng di cư dự kiến của người nước ngoài và công nhân các nhà máy (chuyển dịch cùng cơ sở sản xuất) vào Việt Nam sẽ mang lại cú huých cần thiết cho thị trường BĐS nhà ở tại đây. Cũng theo báo cáo của công ty này, đại dịch cùng suy thoái kinh tế đã khiến nhu cầu BĐS giảm 18% trong quý đầu 2020, và danh sách niêm yết BĐS giảm 28% so với quý IV/2019.
Đồng thời, giới phân tích cũng đang quan sát xem động thái gần nhất của Nhật Bản có giúp châm ngòi cho một cuộc chạy đua đến Việt Nam và những địa điểm khác hay không. Theo đó, Chính phủ Nhật vào tháng trước đã công bố quỹ 2,2 tỷ USD nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất rời khỏi Trung Quốc, sau khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn vì lệnh phong tỏa để dập dịch của Bắc Kinh vào tháng 1 vừa qua.
Thêm nữa, cả giới chức Mỹ và Liên minh châu Âu cũng cho biết, sẽ sẵn sàng giảm mức độ phụ thuộc vào các quốc gia khác.
Hiện, Apple, Nintendo, Samsung, cùng nhiều nhà cung cấp của mình tại châu Á đã chuyển một phần dây chuyển sản xuất hoặc lắp ráp tới Việt Nam.
"Tư duy về chuỗi cung ứng khoanh vùng để làm giảm sự phụ thuộc quá mức vào một nơi sản xuất duy nhất sẽ thúc đẩy làn sóng dịch chuyển này. Việt Nam hưởng lợi nhờ sự tương đồng với Trung Quốc cũng như sở hữu lực lượng lao động lành nghề và có kỷ luật, song chi phí chỉ bằng một phần so với Trung Quốc", ông Williams nói.
Bất động sản nhà ở sẽ tiếp tục tăng giá
Còn với EXS Capital - một quỹ đầu tư tư nhân có trụ sở tại Hồng Kông, Việt Nam vẫn là một "ưu tiên". Quỹ này hiện rót tiền vào SonKim Land - một nhà phát triển BĐS hạng sang với 5 dự án nhà ở tại TP.HCM. Theo SMCP, với việc hai tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay và 2021, hai thành phố này sẽ càng thêm hấp dẫn với giới đầu tư.
Trong khi đó, Giám đốc kinh doanh BĐS nhà ở quốc tế tại Savills Hồng Kông Kenny Law cho rằng, đầu tư vào quận trung tâm sẽ là một lựa chọn tốt và ổn định trong thời gian tới.