Báo cáo Tổng quan Thị trường bất động sản Hà Nội 6 tháng đầu năm 2021 của Savills đã đưa ra những con số đáng chú ý về mức tăng của bất động sản dù Covid-19 gây ra không ít thách thức cho nền kinh tế. Theo đó, mức tăng mạnh nhất thuộc về phân khúc thấp tầng, kế đến là chung cư.
Cụ thể, giá sơ cấp trung bình của tất cả các loại hình biệt thự/liền kề đều tăng trong quý này, với mức cao nhất ở quận Hoàng Mai (tăng 15% cho liền kề và 32% cho nhà phố thương mại) và Huyện Hoài Đức (tăng 29% cho biệt thự, 38% cho liền kề và 59% cho nhà phố thương mại). Ở phân khúc căn hộ, giá chào bán sơ cấp trung bình tại Hà Nội cũng đạt 1.625 USD/m2, tăng 7% theo quý và 11% theo năm, các dự án hạng B tăng mạnh nhất, đạt mức 13% theo năm.
Một khảo sát của phóng viên ở phân khúc căn hộ Hà Nội đã phải thừa nhận thực tế này. Một loạt dự án chung cư mới cùng thuộc phân khúc trung cấp nằm trên trục đường Tố Hữu mở bán từ cách đây 3 năm như Anland Lakeview, The Terra An Hưng đều ghi nhận mức tăng mạnh. Vào năm 2019, một căn hộ 2 ngủ 2 vệ sinh ở các dự án này có mức giá dao động 1,7-1,8 tỷ đồng thì nay người mua phải bỏ ra 2,1-2,3 tỷ đồng nếu muốn sở hữu một căn tương tự.
Tại Hoàng Mai, một số dự án được chào bán thời gian qua như Feliz Homes, Phương Đông Green Park… cũng ghi nhận mức tăng 10-15%. Cụ thể, năm 2020, căn hộ 2 ngủ 2 vệ sinh tại Phương Đông Green park chỉ có giá 1,8-1,9 tỷ đồng/căn, đến năm 2021, giá bán ở thời điểm hiện tại là 2,1-2,2 tỷ đồng/căn. Feliz Homes cũng chứng kiến mức tăng tương tự.
Phân khúc thấp tầng cũng trên đà tăng giá mạnh. Nhiều năm trước, dòng sản phẩm biệt thự, liền kề ở Hà Đông, Hoài Đức dao động phổ biển 40-60 triệu đồng/m2 thì nay chuỗi sản phẩm mới được tung ra thị trường đều thiết lập mức giá cao lên tới 70-100 triệu đồng/m2 như An Lạc Green Symphony, Hinode Royal Park, Hado Charm Villas, Xanh Villas, An Vượng villa…
Dù bất động sản đã có lời nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn ôm hàng.
Tình trạng tăng phi mã của giá nhà đất khiến nhiều người mua đều thu lãi khi mua được mức giá đợt đầu, mở bán từ nhiều năm trước thế nhưng ở phân khúc khách hàng mua với mục đích ở, họ đều không muốn bán kiếm lợi. Nguyên nhân là bởi họ sẽ phải mua một căn nhà mới để ở cũng với mức giá cao ngang ngửa hoặc thậm chí là hơn so với số tiền thu về, trong khi vị trí, chất lượng dịch vụ chưa chắc đã bằng.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, chủ một căn hộ ở Hà Đông cho biết, rất nhiều môi giới gọi hỏi anh có muốn bán căn hộ mua năm ngoái không vì các đợt mở bán sau chủ đầu tư đều tăng giá, anh có thể thu lời 400 triệu. Ban đầu nghe thế, anh Tuấn khá hào hứng nhưng sau khi cân nhắc, anh nhận ra với số tiền thu về anh khó có thể mua một căn hộ tương đương trên tất cả các tiêu chí vị trí, tiện ích, dịch vụ, trừ khi phải chấp nhận đi xa hơn. Do đó, anh quyết định không bán mà giữ lại ở.
Tương tự, khi có người trả vợ chồng bà Hoàng Thị Trang mức giá cao gấp 1,5 lần với căn liền kề mà bà đang ở tại một khu đô thị ở Nam Từ Liêm, vợ chồng bà cũng quyết định không bán vì nhận ra với số tiền thu về khó tìm mua được căn ưng ý cùng khu vực. Hai vợ chồng bà cũng tin rằng căn liền kề sẽ còn tăng giá trong tương lai.
Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư kí Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, nguồn tiền thực tế vào thị trường bất động sản rất lớn thế nhưng nguồn hàng lại khan hiếm là nguyên nhân chính giá bất động sản bị đẩy mạnh, liên tục tăng thời gian qua. Hiện tượng cầu lớn, hàng khan, giá tăng mạnh đã khiến giấc mơ an cư của đại bộ phận dân chúng chỉ có khả năng chi trả ở phân khúc nhà ở tầm trung ngày càng xa vời.
Nguồn: Internet