Tại hội thảo diễn ra mới đây, ông Nguyễn Đức Hưởng, Nguyên Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank nêu góc nhìn, sau chứng khoán, vàng, chắc chắn sẽ đến lúc sốt đất. Đầu tư vào đất chỉ có lãi.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, thị trường BĐS Việt Nam đang mất cân đối, cầu đang chờ cung do chúng ta đang thiếu cơ sở pháp lý để cung có hàng.
Cũng tại hội thảo này, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC nhấn mạnh, về lâu dài BĐS vẫn là kênh hấp dẫn nhất và có khả năng sinh lời cao nhất. Trong thời gian qua, nếu nhà đầu tư thua lỗ chủ yếu là do chạy theo phong trào.
Ông Quyết tin rằng trong những năm tới, thị trường BĐS vẫn còn rất nhiều lợi thế. Tuy nhiên, với quy trình thủ tục pháp lý hiện nay, việc hoàn thiện dự án BĐS gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ với BĐS đô thị, từ khâu lên dự án cho đến khi đưa ra thị trường, hoàn thiện điện đường trường trạm…, quy trình phải mất ít nhất 3 – 4 năm, với điều kiện luân chuyển tiền một cách có hệ thống. Doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ khó mà theo được với quy trình này.
“Dù thị trường ảnh hưởng bởi 2 đợt dịch, tôi vẫn chưa thấy dấu hiệu giảm giá hay bán phá giá BĐS”, ông Quyết nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho hay, về trung và dài hạn, BĐS vẫn là kênh đầu tư sinh lợi tốt nhất, an toàn nhất và có dư địa lớn nhất. Về yếu tố sinh lợi thông qua giá trị, thị trường BĐS trong suốt nhiều năm qua, chưa có cuộc khủng hoảng nào mà BĐS giảm giá. Ngược lại, BĐS vẫn tăng đều, bình quân từ 5-7%.
Ngoài ra, BĐS còn có khả năng sinh lợi khi khai thác kinh doanh để gia tăng thêm lãi. Theo vị chuyên gia này, giá BĐS ở Việt Nam nhìn chung vẫn đang ở mức thấp. BĐS ở những khu vực mới phát triển, và phát triển tốt thì phân khúc đất nền là phân khúc nhà đầu tư có thể xem xét đầu tư. Với BĐS nghỉ dưỡng, đây là phân khúc có lợi thế, dư địa lớn để phát triển.
“Nếu có ít tiền thì nên đầu tư vào ngân hàng vì an toàn và vẫn sinh lợi. Trong bối cảnh này lãi suất ngân hàng vẫn ổn. Còn nếu có nhiều tiền hơn một chút thì nhà đầu tư có thể xem xét đến nhiều kênh hơn như vàng, chứng khoán. Còn thực sự có nhiều tiền thì mới nên đầu tư vào BĐS. Nếu ít tiền và phải sử dụng đòn bẩy tài chính thì tôi khuyên là chưa nên tham gia vì chúng ta chưa thể biết tình hình Covid đến khi nào được kiểm soát”, ông Đính đưa lời khuyên.
Trước đó, khi trao đổi về thị trường BĐS, ông Lê Minh Trí, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Nam Group cho hay, theo kinh nghiệm của bản thân có một thực tế là BĐS không bao giờ xuống giá, mà chỉ có tăng giá. Vì thế, đầu tư vào BĐS chỉ có lãi. Có chăng, có một vài thời điểm do tác động của yếu tố ngoại cảnh khiến giá BĐS chững lại, đi ngang rồi tiếp tục tăng khi thị trường ổn định, không có chuyện BĐS xuống giá theo thời gian.
Quan điểm về kênh đầu tư trên thị trường, Ông Phạm Tôn Quyền, CEO HighLand Việt Nam khẳng định, trong ngắn hạn có thể một vài thời điểm BĐS chững lại do các yếu tố khách quan, còn về dài hạn BĐS vẫn là kênh mang lại lợi nhuận tốt so với các kênh đầu tư khác. Lấy ví dụ ở dự án của doanh nghiệp mình, Ông Quyền cho biết, dự án Vạn Phúc City trong vòng 3 năm, giá đất tăng gấp 5 lần, giá nhà tăng gấp 3 lần. Lúc thị trường tốt, theo kinh nghiệm giá trị BĐS tăng trưởng 20-25%, lúc thị trường chững mức độ tăng ít hơn tầm 10-15%.
“Việc đầu tư vào kênh nào lúc này phụ thuộc vào khẩu vị, ngân sách của mỗi NĐT cá nhân. Riêng đối với NĐT có tổ chức họ sẽ phân tích, đánh giá rất kỹ các yếu tố, phương pháp để vào thị trường. Họ sẽ phân tích trên các yếu tố như uy tín của CĐT, loại hình sản phẩm, vị trí sản phẩm tọa lạc…và đưa ra quyết định. Nếu quá thận trọng NĐT sẽ mất cơ hội, còn kì vọng quá lớn thì phải chấp nhận rủi ro”, bà Hương chia sẻ.
Dĩ nhiên, đối với bất cứ kênh đầu tư nào cũng có những rủi ro. Với BĐS, có nhiều NĐT BĐS chịu thua lỗ do vào thị trường “không đúng thời”, hoặc không tìm hiểu kỹ thị trường. Nhưng không thể phủ nhận một điều, rất nhiều người “phất lên” nhờ đầu tư vào BĐS. Biên lợi nhuận trong dài hạn với những người có dòng tài chính sẵn có luôn hấp dẫn rõ nét hơn các kênh đầu tư khác. Còn với cách đầu tư lướt sóng ngắn hạn thì chắc chắn dù vào thị trường thời điểm nào cũng thiếu bền vững, dễ rủi ro, thất bại theo kiểu “được cả ngã về không”.