Tuyến đường sắt đô thị số 5 được quy hoạch chạy từ Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc. Nếu phương án đầu tư được thông qua, thì khu vực Láng Hòa Lạc sẽ trở thành một mỏ vàng cho các chủ đầu tư. Tuyến đường sắt đô thị số 5 với tổng chiều dài ước tính dài 37,5km, ước tính vốn đầu tư khoảng gần 70.000 tỷ đồng.
Mới đây, Tập đoàn VinGroup đã có văn bản đề nghị về việc tiếp tục tài trợ kinh phí lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt đô thị số 5 Văn Cao – Hòa Lạc.
UBND TP Hà Nội cũng vừa có văn số 990 về việc giao ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội thực hiện thủ tục lập, trình phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội "tuyến số 5 Văn Cao – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc" theo quy định của Luật đầu tư công, theo Nghị định 131 năm 2015 của Chính phủ và Nghị định 02 năm 2020 sửa đổi một số điều Nghị định 131.
Bản đồ quy hoạch đường sắt tại Hà Nội
UBND TP giao Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội có trách nhiệm phối hợp với Tập đoàn VinGroup, Tổng Công ty Tư vấn thiết kê giao thông vận tải -CTCP (TEDI) thực hiện các thủ tục tiếp nhận hồ sơ, hoàn thiện và trình duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; đồng thời triển khai ngay việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi, khảo sát, thiết kế, dự toán theo đúng quy định của pháp luật đầu tư công.
Tập đoàn VinGroup bố trí kinh phí hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho đến khi Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án theo văn bản đã cam kết.
VinGroup đề nghị tài trợ kinh phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt đô thị Văn Cao – Hòa Lạc
Các sở, ngành, UBND các quận huyện và các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội trong quá trình nghiên cứu lập hồ sơ Dự án.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 6/3/2020 và thay thế nội dung giao Tập đoàn VinGroup lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt đô thị số 5 tại Quyết định số 881/QĐ-UBND ngày 23/2/2018.